Tích lũy trong 22 năm làm việc mới mua được một căn hộ tại Hong Kong

Bảng xếp hạng Global Real Estate Bubble Index vừa được UBS Group công bố cho thấy, Hong Kong là thành phố có rủi ro bong bóng bất động sản cao nhất thế giới. Giá nhà tại đây đã tăng trung bình 10% mỗi năm, kể từ năm 2012.

Các biện pháp hạ nhiệt giá nhà đều không có tác dụng. Do đó, thành phố này đang cân nhắc thắt chặt quy định với người mua từ nơi khác.

Cũng theo bảng xếp hạng, Hong Kong đứng đầu danh sách về số năm mà người lao động cần làm việc để mua được một căn hộ 60m2 gần trung tâm thành phố. Theo đó, một nhân viên lành nghề, có mức lương trung bình trong ngành dịch vụ sẽ cần tới 22 năm. Con số này với thành phố xếp nhì – London là 15 năm.

Giá nhà tại Hong Kong đã tăng trung bình 10% mỗi năm, kể từ năm 2012. Ảnh: Bloomberg

Munich, Toronto, Vancouver, Amsterdam và London là những cái tên còn lại trong nhóm có rủi ro bong bóng bất động sản. Được biết, báo cáo của UBS chỉ tập trung vào 20 thành phố lớn của thế giới.

UBS Group cho hay, việc giá bất động sản tăng trung bình 35% tại các thành phố lớn trong 5 năm qua đã gây ra một cuộc “khủng hoảng khả năng chi trả”. Đa số các hộ gia đình không còn đủ khả năng mua nhà tại các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới mà không cần một khoản thừa kế lớn.

Tuy vậy, các rủi ro đã được kiềm chế hơn sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, do hoạt động vay mua nhà đã chậm lại. Ngoài ra, UBS cho rằng hiện tại không có bằng chứng cho thấy “sự tăng đột biến đồng thời” trong cả hoạt động cho vay và xây dựng.

Theo Mark Haefele – Giám đốc Đầu tư tại UBS Global Wealth Management, các nhà đầu tư nên chọn lọc kỹ tại các thị trường có rủi ro bong bóng bất động sản như Hong Kong, Toronto hay London. UBS đánh giá rủi ro bằng các dấu hiệu như giá nhà quá chênh lệch với thu nhập và tiền thuê tại địa phương hay sự mất cân bằng trong nền kinh tế, như hoạt động cho vay và xây dựng tăng đột biến.

Được biết, giá tại phần lớn các thành phố được nghiên cứu đã tăng chậm lại đáng kể trong 1 năm qua so với các năm trước đó. Dù vậy, xu hướng bùng nổ lại xuất hiện ở các nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro cũng như Vancouver và Hong Kong.

“Những vết nứt đầu tiên trong cơn sốt nhà đất toàn cầu đã xuất hiện, với việc giá giảm tại 4 trong 8 thành phố nằm trong nhóm rủi ro năm 2017, gồm Sydney, Stockholm, London và Toronto. Tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng đã chặn đứng đợt tăng giá tại Sydney. Năm 2018, cả Sydney và Stockholm đều thoát nhóm rủi ro”, báo cáo nêu rõ.

Share
Disqus Comments Loading...